10 lí do bạn nên dùng Ubuntu - Ubuntu Việt Nam

Latest

Thursday, August 1, 2013

10 lí do bạn nên dùng Ubuntu

Hơn 6 năm trước, khi tôi bắt đầu sử dụng Ubuntu, tôi đã từng có những câu hỏi và sự phân vân liên quan đến vấn đề sử dụng Windows hay Ubuntu. Nhưng cuối cùng, tôi đã chọn Ubuntu. Vào thời điểm ấy, trong những người tôi biết không ai dùng Ubuntu hay một Distro Linux nào khác. Lúc đó, nói một cách ví von, chả khác gì tôi là chim cánh cụt bơi giữa bầy cá mập "Cửa Sổ", tuy chúng không hung hãn nhưng "khá" cứng đầu.
Ubuntu đã ra đời được hơn 8 năm, nhưng số lượng người dùng Ubuntu vẫn rất ít. Ở Việt Nam, hiện nay chỉ có một bộ phận rất nhỏ người sử dụng Ubuntu (và các phiên bản Linux khác). Nhiều siêu thị số tại Việt Nam bán Laptop đã cài sẵn Ubuntu nhưng đa phần người mua vẫn yêu cầu bên bán cài đặt Windows hoặc họ sẽ tìm cách cài Windows sau khi mua máy tính, đấy chính là vấn đề. Nếu người dùng sử dụng Windows có bản quyền thì tôi không có gì phải phàn nàn, nhưng chủ yếu Windows ở Việt Nam là bản "lậu" có chứa nhiều mã độc, lỗ hổng bảo mật. Điều này tạo ra hình ảnh xấu cho thị trường nội dung số tại Việt Nam, vừa gây ảnh hưởng đến an ninh mạng chung.
Dù đã có định hướng sử dụng mã nguồn mở trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng việc quảng bá cho sức mạnh của mã nguồn mở lại không có, các cuộc hội thảo về nó thường diễn ra mà chỉ có một cộng đồng rất nhỏ quan tâm, cho nên đến nay các hệ điều hành mã nguồn mở còn rất ít người dùng.
Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 10 lí do bạn nên dùng Ubuntu - một distro Linux nổi tiếng về sự thân thiện.


Trước khi đi vào bài viết, tôi sẽ định nghĩa lại đầy đủ ý nghĩa của từ Ubuntu.
Ubuntu là một từ trong thổ ngữ Zulu - một thổ ngữ của hệ Nguni trong nhóm ngôn ngữ Bantu của Nam Phi . Ubuntu có nghĩa là "lòng tốt của con người" là "tình nhân ái". Cựu tổng thống Nelson Mandela đã từng trả lời cho câu hỏi Ubuntu nghĩa là gì, ngài nói: đó là chân lý của vũ trụ, là con đường của sự sống, là một xã hội thân thiện.

1. Ubuntu là miễn phí
Ubuntu là miễn phí và sẽ luôn miễn phí như cái tên của nó. Bạn không cần trả bất cứ khoản phí nào, bạn có thể chia sẻ nó với bất kỳ ai mà không sợ bị vi phạm bản quyền. Các công ty, doanh nghiệp có thể sử dụng nó mà không cần phải trả khoản phí nào cho Canonical Ltd - công ty sáng lập ra Ubuntu. Dùng Ubuntu sẽ tiết kiệm được một khoản phí và do đó Ubuntu đem lại giá trị kinh tế cho bạn.
Nhiều người Việt hay nói "Của rẻ là của ôi" như nhiều người nước ngoài hay nói "Cheapest is the dearest". Nhưng hãy nhớ, Ubuntu rẻ vì Ubuntu muốn như ý nghĩa tên gọi của nó.
Ubuntu luôn là miễn phí

2. Cài đặt đơn giản và an toàn
Cài đặt Ubuntu không hề phức tạp như mọi người thường nghĩ. Dung lượng bộ cài đặt Ubuntu được giới hạn trong một đĩa CD (800MB). Với tốc độ mạng Internet hiện nay, bộ cài này có thể được tải về rất nhanh. Bạn có thể ghi bộ cài đặt Ubuntu ra đĩa CD để làm LiveCD hoặc sao chép vào 1 Usb để làm LiveUSB, sau đó sử dụng chúng để [cài đặt Ubuntu/cứu hộ Ubuntu] bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Bạn có thể chạy song song Ubuntu và Windows trên cùng một máy tính. Bên cạnh đó, Ubuntu hỗ trợ Wubi, với chế độ này bạn không cần phân vùng đĩa cứng mà vẫn có thể sử dụng Ubuntu song song với Windows.
Ubuntu "mềm mại". Nguồn: deviantart.com

3. Không yêu cầu máy tính cấu hình cao
Ubuntu không yêu cầu một máy tính cấu hình mạnh, vì vậy bạn không phải tốn kém để nâng cấp phần cứnàng cho máy tính. Máy tính bàn của tôi được mua cách đây hơn 4 năm, tôi cài đặt Ubuntu phiên bản mới nhất cho nó và nó vẫn hoạt động rất nhanh và mượt mà.

4. Tương thích phần cứng
Ubuntu có khả năng tương thích với hầu hết các phần cứng hiện nay. Tôi từng cài đặt Ubuntu nhiều lần trên các máy tính khác nhau từ Desktop tới các Laptop, thậm chí là điện thoại HTC HD2 và tôi ít khi phải xử lý các vấn đề liên quan đến sự không tương thích phần cứng, ngoại trừ các card đồ họa rời như ATI/nVidia hoặc vài loại Card âm thanh thì có đôi chút vấn đề. Tuy nhiên, đã có một vài phương pháp cài đặt Drivers tự động, vì vậy sắp tới chúng ta có thể quên công việc tìm và tải, cài đặt Drivers các loại Card đó.
Ubuntu hỗ trợ nhiều loại thiết bị
5. Dễ sử dụng
Nhiều người cho rằng hầu hết các hệ điều hành mã nguồn mở đều khó sử dụng, điều này là sai lầm. Hầu hết các hệ điều hành mã nguồn mở hiện nay đều rất dễ sử dụng, với giao diện trực quan hiện đại, đặc biệt có những hệ điều hành được thiết kế để tương thích với các màn hình cảm ứng như: Google Chrome OSUbuntu - giao diện của hai hệ điều hành rất đẹp và mượt mà.

6. Khả năng tùy biến cao
Vì là một hệ điều hành mã nguồn mở nên khả năng tùy biến của Ubuntu là rất cao. Giao diện của Ubuntu có thể chuyển đổi rất nhanh, bạn có thể đổi nó sang giao diện Mas OSX
chỉ bằng một vài bước đơn giản mà vẫn tiết kiệm được tài nguyên máy tính.
Bên cạnh đó, Ubuntu hỗ trợ nhiều môi trường GUI. Thậm chí nếu dùng Ubuntu 64bit bạn có thể chạy song song Chrome OS ngay trong Ubuntu, điều mà MAC hay Windows đều không làm được.
Ubuntu dễ sử dụng và có khả năng tùy biến cao
7. Kho ứng dụng miễn phí
Ubuntu có một kho ứng dụng đồ sộ và hầu hết các ứng dụng là miễn phí. Bạn sẽ không mất nhiều thời gian để lên các diễn đàn mô tả về phần mềm mình muốn, tất cả được phân chia theo mục đích sử dụng trong ứng dụng Ubuntu Software Center.
Để giới thiệu về tất cả ứng dụng trên Ubuntu trong một bài viết là không thể, vì vậy tôi sẽ giới thiệu và phân tích lợi ích kinh tế của một vài ứng dụng trong các lĩnh vực đặc biệt mà đặc biệt "tốn kém" nếu ở trên Windows.
Trong lĩnh vực ứng dụng văn phòng, Ubuntu có bộ ứng dụng văn phòng OpenOffice đã cài đặt sẵn với các chức năng giống M.S Office (xử lý văn bản, xử lý bảng tính, trình diễn văn bản...) và nó hỗ trợ hầu hết định dạng file văn bản của M.S Office. Nếu trên Windows, bạn có thể sẽ phải trả từ 100-400 Usd (tương đương 2,2 triệu - 10 triệu VNĐ theo tỉ giá hiện nay) cho một bộ ứng dụng văn phòng của Microsoft thì trên Ubuntu, OpenOffice là miễn phí. Theo thông thường thì một bộ ứng dụng M.S Office chỉ có thể cài đặt trên 1 máy tính hoặc cao nhất là 5 máy tính, vậy nếu một doanh nghiệp nhỏ có 50 máy tính và trang bị bộ ứng dụng Office cho tất cả 50 máy tính đó thì họ có khả năng phải trả đến 20,000 USD ~ 440,000,000 VNĐ. Số tiền đó quá lớn đối với một doanh nghiệp nhỏ. Nếu doanh nghiệp trên sử dụng Ubuntu, họ không cần trả khoản tiền đó và có thể dùng số tiền trên để đầu tư vào hạng mục khác.
LibreOffice- ứng dụng văn phòng miễn phí trên Ubuntu

Về lĩnh vực bảo mật, khi bạn sử dụng Ubuntu, bạn sẽ ít gặp phải các vấn đề liên quan đến Virus/Phần mềm độc hại, bởi vì bản thân của Ubuntu là một hệ điều hành có tính bảo mật rất cao và khó can thiệp (nếu không có quyền Root). Các ứng dụng AntiVirus trên Ubuntu được cung cấp miễn phí ngay trên Ubuntu Store, nếu bạn sử dụng Windows và Mac OS, có lẽ bạn nên mua một ứng dụng AntiVirus để bảo vệ máy tính của bạn khỏi bị nhiễm Virus, giá thành của các ứng dụng này thường không rẻ. Vì vậy, nếu sử dụng Ubuntu bạn không cần đầu tư một khoản phí nào để bảo vệ mình trước các phần mềm độc hại.
ClamAV - chương trình antivirus miễn phí trên Ubuntu

Về lĩnh vực đồ họa, Ubuntu chưa có được các ứng dụng chuyên nghiệp như trên Windows và Mac. Tuy nhiên với người dùng bán chuyên nghiệp, các ứng dụng đồ họa miễn phí trên Ubuntu là đầy đủ và bạn có thể học sử dụng chúng rất nhanh qua các bài TUT trên Youtube. Hiện nay, hầu hết các ứng dụng đồ họa : Google Sketchup, Photoshop, AutoCad, Blender ... đều có thể chạy trên Ubuntu thông qua Wine. Việc cài đặt Wine và thiết lập tương đối đơn giản. Vì vậy, nếu bạn mua một trong các ứng dụng trên bạn vẫn có thể an tâm sử dụng chúng trên Ubuntu.
Adode Photoshop trên Ubuntu hoạt động tốt qua Wine
8. Bảo mật cao và luôn được hỗ trợ
Ubuntu có một cơ chế bảo mật cao hoặc chí ít cũng cao hơn với Windows. Đó là đánh giá chung được các chuyên gia bảo mật đưa ra chứ không phải là đánh giá chủ quan của tôi. Các bản vá lỗi của Ubuntu được hỗ trợ thường xuyên, cho thấy khả năng làm việc của hãng là rất tốt. Các phiên bản Ubuntu mới và cũ đều được hỗ trợ cập nhập bảo mật/ứng dụng trong một thời gian dài. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cơ chế hỗ trợ của Ubuntu tại đây.
9. Ứng dụng Đa phương tiện và ứng dụng xã hội
Như tôi đã giới thiệu ở mục 7, Ubuntu có kho ứng dụng đồ sộ và không ít trong số đó là các ứng dụng đa phương tiện và ứng dụng xã hội.
Ubuntu đã tích hợp sẵn các ứng dụng đa phương tiện phục vụ nhu cầu giải trí cơ bản như: xem phim và nghe nhạc, trình diễn ảnh, ghi đĩa, ghi âm... Các ứng dụng đã được tích hợp đủ để phục vụ nhu cầu giải trí của bạn. Trên Ubuntu Software Center cung cấp cho bạn các ứng dụng miễn phí có chức năng: quay phim màn hình, biên tập video, biên tập ảnh, biên tập âm thanh, vẽ tranh... Bạn không cần thiết phải lòng vòng qua các diễn đàn để tìm ứng dụng mình mong muốn, tất cả đều có mặt trên Ubuntu Store.
Ubuntu phục vụ nhu cầu giải trí rất tốtiê

Các ứng dụng hỗ trợ cho mạng xã hội (Facebook, Twitter... ) được tích hợp ngay vào trong hệ thống. Tuy nhiên, các phiên bản Ubuntu gần đây đã bỏ qua giao diện phẳng, tích hợp mạng xã hội vào thanh Dash với tên gọi Social Lens, vì vậy nó hơi rắc rối. Nếu bạn muốn sử dụng các ứng dụng xã hội có giao diện phẳng bạn có thể vào đây.
10. Hỗ trợ Game thủ
Ubuntu hiện nay hỗ trợ game thủ rất tốt. Với Wine và Steam bạn có thể chơi hầu hết các game trên Ubuntu mà trước kia bạn chỉ có thể chơi trên Windows. Tuy còn đôi chút hạn chế, điển hình nhất là các hệ thống bảo vệ Game không làm việc tốt trên Wine, ví dụ: hệ thống GameGuard(GG) mà các game online tại Châu Á hay sử dụng (trong đó có Việt Nam). Tôi đã thử chơi một vài Game Online có GG tại Việt Nam trên Ubuntu: CrossFire và Fifa 2 nhưng hệ thống GG của cả hai Game đều báo mã lỗi "không phù hợp hệ thống". Tuy nhiên, có một vài game có hệ thống bảo vệ Game khác GG lại hoạt động tốt như: Counter Strike, DOTA, League Of Legends ... Tuy còn 1 vài khuyết điểm nhưng các hệ thống hỗ trợ game thủ trên Ubuntu đang hoàn thiện rất nhanh, hứa hẹn một môi trường chơi Game trên PC để xóa bỏ sự thống trị của Windows.
BONUS hình ảnh một vài Game trên Ubuntu:
Counter Strike
L.O.L trên Ubuntu [forum.ubuntu-vn.org]

7 comments:

  1. Ubuntu thật sự rất tốt. Vấn đề duy nhất của nó là các hãng phần mềm không viết phần mềm trên ubuntu thôi. Nếu các hãng phần mềm lớn như adobe viết các phần mềm trên đó thì ubuntu sẽ thắng windows là cái chắc. Vấn đề là chờ đến khi nào điều đó thành hiện thực thôi.

    ReplyDelete
  2. taỉ lol về ntn??add ơi e tải về máy rồi sao ko chạy dc??

    ReplyDelete
  3. Bài của bác viết kỹ quá cám ơn bác nhiều! em đọc bài của bác trong khi đang cái ubuntu 64bit không biết dùng có ngon không sofa phòng khách

    ReplyDelete
  4. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  5. Bác add ơi cho em hỏi tý, em cài bản ubuntu lên máy server supermicro X8DLT - 3 mà sao không cài được Bác add ơi giúp em với Bác có tài liệu gửi qua địa chỉ mail em "dongochoan@pnt.edu.vn" với cảm ơn Bác add nhiều

    ReplyDelete
  6. Theo mình biết thì chỉ có cài đặt song song 2 hệ điều hành trên 1 máy tính chứ làm sao có thể chạy song song được nhỉ.
    Nếu mà được thì mình ngay lặp tức sẽ chuyển qua Ubuntu ngay :D

    ReplyDelete

Sponsor